Luật Tiếp cận thông tin: Cơ hội để người dân giám sát, phản biện xã hội

04:07, 20/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, qua đó tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Thời gian qua, các cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện công khai, minh bạch các hồ sơ, thủ tục hành chính và nhiều thông tin không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin cần thiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.

 

Công khai thủ tục hành chính tại UBND xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU
Công khai thủ tục hành chính tại UBND xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU
Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh cho biết: “Những thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương lẽ ra người dân phải được biết, nhưng người dân lại ít được tiếp cận, nhưng nếu muốn tiếp cận thì cũng không biết hỏi cơ quan nào. Vì thế, người dân không biết vị trí đất của mình có nằm trong hay ngoài quy hoạch; tạo điều kiện cho bọn “cò đất” lợi dụng việc thiếu thông tin của người dân để mua đầu cơ hưởng lợi”.

Luật Tiếp cận thông tin quy định cụ thể 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên phải công khai rộng rãi, trong đó có nhiều thông tin quan trọng, như thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Do đó, Luật Tiếp cận thông tin ra đời có ý nghĩa hết sức thiết thực; là cơ sở pháp lý giúp người dân nắm được quyền và trách nhiệm của mình trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin có được; tham gia phản biện xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Theo quy định, cơ quan nhà nước sẽ phải cung cấp thông tin thông qua nhiều hình thức, như đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đăng công báo, phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở cơ quan... Thậm chí, người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin (không thuộc phạm vi bí mật) qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax...

Để Luật Tiếp cận thông tin sớm đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh, các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp xã trở lên, sau khi được tập huấn về Luật Tiếp cận thông tin thì phải nghiêm túc thể hiện tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho công dân. Có như thế, người dân mới tin tưởng, ủng hộ và tham gia tích cực vào các hoạt động quản lý nhà nước.


Ý THU


 


.